Muốn chuyển đổi số thì cần phải có các công cụ. Từ những nghiên cứu chuyên sâu và kết quả thực tiễn, nhóm các chuyên gia công nghệ đã đúc kết giới thiệu 5 bộ công cụ chuyển đổi số và đã được áp dụng trong nhiều lĩnh vực từ quy mô nhỏ đến lớn.
Những bộ công cụ giúp doanh nghiệp chuyển đổi số
Bộ công cụ 1: Đóng gói tri thức
Đây là bộ công cụ chuyển đổi số được sử dụng để tích tụ và tích hợp đa công nghệ vào quy trình sản xuất trong các DN. Về hình thức, đây là bô công cụ giúp các chuyên gia chuyên ngành (domain experts) xác định các công đoạn của quy trình sản xuất nhằm lựa chọn phương án tối ưu trong từng tình huống cụ thể. Bài toán trung tâm của quá trình chuyển đổi số là từ kết quả xử lý dòng thông tin trong không gian số, thực hiện các tác động, điều khiển lên 4 dòng vật lý trong không gian thực (là dòng hàng hóa, dòng tiền, dòng người và dòng năng lượng quy ra điện).
Dòng thông tin trong không gian số được hình thành từ việc xử lý các dữ liệu được thu thập bởi các IoT và cơ chế số hóa dữ liệu phản ánh trạng thái hoạt động của DN trong từng công đoạn sản xuất. Việc ứng dụng đa công nghệ được tích hợp và “đóng gói” bằng bộ công cụ này nhằm đảm bảo tính đồng nhất trong sản xuất hay khi chuyển giao công nghệ. Nó cũng là công cụ giúp bảo vệ bản quyền sáng tạo và quyền lợi của các bên tham gia một cách chặt chẽ và minh bạch.
Bộ công cụ 2: Ứng dụng công nghệ số
Trong kỷ nguyên số có hàng loạt các công nghệ số được giới thiệu như công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT), công nghệ đám mây (Cloud), công nghệ kết nối (4G, 5G), công nghệ dữ liệu lớn (Big data), công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (Blockchain),…
Để ứng dụng các công nghệ này vào thực tế cần có những công cụ thích hợp. Ví dụ, với công nghệ IoT, cần có công cụ hỗ trợ việc lắp đặt các IoT trong các môi trường khác nhau để đo các thông số khác nhau, thu thập dữ liệu từ các IoT về trung tâm dữ liệu và cập nhật cho các CSDL đúng với các thực thể được quan sát,… Đối với các công nghệ số khác cũng tương tự như vậy.
Bộ công cụ 3: Tổ chức và quản lý chuỗi liên kết
Trong kỷ nguyên bùng nổ về công nghệ, không một DN nào có thể hoạt động được độc lập một mình mà không liên kết với các DN khác, đơn giản là vì dù hùng mạnh đến đâu thì DN cũng không thể làm tốt mọi chuyện, nhất là khi các công nghệ mới phát triển rất nhanh và gần như xuất hiện hàng ngày.
Có hai mô hình liên kết thường thấy nhất là “Sản xuất – Chế biến – Tiêu thụ” và “Nhà sáng tạo công nghệ – Nhà ứng dụng công nghệ”. Trong mô hình liên kết theo chuỗi giá trị “Sản xuất – Chế biến – Tiêu thụ”, các DN liên kết với nhau theo chuỗi chuyên môn hóa, mỗi mắt xích làm tốt nhất công việc của mình và cùng chia sẻ giá trị lợi nhuận thu về theo nguyên tắc “Người tiêu dùng phải được lợi nhiều nhất, các DN (trong chuỗi) tìm kiếm lợi nhuận từ phần còn lại”.
Trong mô hình thứ hai, chuỗi liên kết “Nhà sáng tạo công nghệ – Nhà ứng dụng công nghệ” thúc đẩy cả 2 bên trong quá trình phát triển liên tục. Nhà ứng dụng công nghệ luôn tạo ra năng lực cạnh tranh cao hơn đối thủ, tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn, lợi nhuận tạo ra được chia sẻ cho nhà sáng tạo công nghệ để đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà sáng tạo công nghệ, thúc đẩy họ sáng tạo hơn nữa. Bộ công cụ này là cầu nối an toàn và minh bạch giữa các bên tham gia chuỗi liên kết.
Bộ công cụ 4: Điều hành doanh nghiệp số
Đây là những công cụ phổ biến nhất và các DN dễ tiếp cận nhất. Đó là các công cụ hỗ trợ triển khai ứng dụng chữ ký số, ký hợp đồng số, sử dụng hóa đơn số, thanh toán số, sử dụng tiếp tân số, trợ lý số, kế toán số, thống kê số, lưu trữ số,…
Việc sử dụng các công cụ này dần dần làm thay đổi các hoạt động hành chính – văn phòng của DN theo hướng ngày càng sử dụng nhân lực ít hơn, độ chính xác và minh bạch trong hoạt động cao hơn, hiệu quả hoạt động cao hơn rõ rệt.
Bộ công cụ 5: Đánh giá, cập nhật tiến độ chuyển đổi số
Đây là bộ công cụ duy nhất được thực hiện theo cơ chế tự động khi được áp dụng. Chuyển đổi số là quá trình phát triển từ thấp lên cao qua các cấp bậc khác nhau, mỗi cấp bậc được đánh giá bằng các bộ KPI khác nhau nhưng tập trung vào 3 tiêu chuẩn chính là: Năng lực kết nối giữa các thực thể trên nền Internet; Tốc độ đo được từ lúc có yêu cầu đến lúc có kết quả và Độ chính xác được xác định bời quy trình của các chuyên gia chuyên ngành.
Ứng dụng của chuyển đổi số trong các lĩnh vực?
Trong nông nghiệp (trồng rau và nuôi tôm công nghệ số): Chuyển đổi số trong nông nghiệp đã được triển khai trong cả 4 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp. Ví dụ việc trồng cà chua ở Đăk Lăk tại Ban Mê Green Farm. Cà chua trồng trong nhà màng rộng 1000 m2 được điều khiển bởi công nghệ IoT (đo pH, độ ẩm, nhiệt độ,…) để tự động kích hoạt hệ thống tưới nước, quạt gió,… Quy trình trồng cà chua tiên tiến được áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, công nghệ hữu cơ, công nghệ plasma lạnh được tích hợp trên nền tảng công nghệ số, sử dụng công nghệ số để điều khiển quy trình sản xuất. Bởi vậy, sản phẩm cà chua được trồng theo quy trình này đạt tiêu chuẩn cà chua hữu cơ (hoàn toàn không dùng hóa chất), chất lượng cao, năng suất lao động cao (chỉ 1 người chăm sóc cho 1 module 1000 m2) và hiệu quả kinh tế cao (trên 300 triệu/1000 m2/năm). Mô hình này đã được nhân rộng ra trên 10 cơ sở khác, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ và đạt kết quả mà nhiều nông dân mong đợi.
Một ứng dụng khác là trong nuôi tôm. Như đã biết, nuôi tôm nước lợ là ngành phổ biến nhất ở các tỉnh duyên hải nước ta. Con tôm có giá trị thương mại cao nên những nỗ lực ứng dụng công nghệ cao nhằm đảm bảo tôm lớn nhanh, khỏe mạnh, ít bệnh đang được triển khai rộng khắp. Đây có thể nói là nơi hội tụ nhiều công nghệ cao được ứng dụng vào thực tế nhất và cũng là môi trường ứng dụng công nghệ số đặc sắc bậc nhất. Việc sử dụng công nghệ IoT nhằm để quan sát và phát hiện (qua âm thanh) lúc tôm đói để kích hoạt hệ thống cho ăn. Chỉ khi cho tôm ăn lúc đói mới hiệu quả nhất. Thực tế cho thấy tôm đói và sục tìm thức ăn nhiều nhất là lúc 4 giờ sáng và 7 giờ tối.
Trong công nghiệp chế biến: Công nghiệp chế biến thực phẩm, thủy sản là ngành cần ứng dụng nhiều công nghệ cao cho những yêu cầu khác nhau như xử lý mùi hôi do chất hữu cơ bị phân hủy, xử lý chất thải và nước thải, xử lý và quay vòng tái sử dụng nước,… vì thế, cần áp dụng nhiều giải pháp công nghệ khác nhau như công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ robot và tự động hóa, công nghệ xử lý chất thải, nước thải,… Việc ứng dụng các công nghệ này được giám sát (monitoring) và kiểm tra (control) bởi các công nghệ số.
Trong dịch vụ: Dịch vụ là lĩnh vực có thể chuyển đổi số nhanh nhất. Chúng ta có thể chuyển đổi một quán cà phê bình thường thành quán cà phê số sau 1 tuần. Tại quán cà phê số, khách hàng tự tìm, chọn và thanh toán online thức uống bằng cách soi mã QR trên mặt bàn. Thức uống khách đặt sẽ được pha chế và đưa tới. Theo cách này, số nhân viên giảm đi một nửa vì không còn người đi ghi yêu cầu của khách, không có thu ngân và việc hạch toán được tự động thực hiện ngay sau khi bán được một sản phẩm. Mô hình này có thể áp dụng cho các quán ăn uống, các tiệm tạp hóa và nhiều loại hình dịch vụ tương tự khác.
Trong du lịch: Du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn ở nước ta. Mục tiêu làm thế nào tăng thời lượng lưu trú và tăng mức chi tiêu của khách luôn được đặt lên hàng đầu ở các địa phương. Công nghệ số là công cụ đắc lực phục vụ cho 2 mục đích này. Tất cả khách du lịch ai cũng muốn mua hàng đặc sản tại địa phương về làm quà nhưng không biết mua ở đâu, chất lượng, giá cả như thế nào. Công nghệ số giúp thực hiện việc này một cách đơn giản. Theo đó, các cơ sở sản xuất đều phải đăng ký sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa, từng sản phẩm được gắn mã QR rõ ràng, khách chọn mua trực tuyến, thanh toán và được nhận tại nơi mình muốn như tại khách sạn, tại trạm dừng chân hay tại nhà riêng.
Để đảm bảo uy tín của địa phương, cơ quan chính quyền địa phương cần vào cuộc và có chính sách khuyến khích cũng như biện pháp chế tài cụ thể đối với các cơ sở cung cấp hàng đặc sản mang thương hiệu địa phương qua hệ thống này.
Trong môi trường: Quan trắc, xử lý và bảo vệ môi trường là một trong các lĩnh vực ứng dụng công nghệ số nhiều nhất. Ở nhiều tỉnh, thành phố ở nước ta, ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước đang là mối đe dọa ảnh hưởng xấu lên phát triển KTXH. Vì thế, các thiết bị quan trắc chất lượng không khí và nước trở nên đắc dụng khi đưa ra những cảnh báo kịp thời cho các cơ quan chức năng có căn cứ để xử lý và chọn biện pháp khắc phục.
Trong quản lý đô thị: Bài toán phổ biến trong quản lý đô thị là xây dựng hệ thống giám sát giao thông thông minh. Đó là hệ thống sử dụng các IoT để giám sát các phương tiên tham gia giao thông 24/7. Hệ thống này không chỉ phát hiện được các hành vi vi phạm luật giao thông như lấn làn, vượt đèn đỏ,… mà còn giúp theo dõi hành vi của phương tiện để kịp thời ngăn chặn những cuộc đua xe trái phép hay dàn cảnh cướp giật trên đường phố. Một kết quả mới của hệ thống quản lý giao thông thông minh là sử dụng công nghệ AI phân tích độ trù mật giao thông và kích hoạt hệ thống đèn giao thông theo tình huống thực tế chứ không tính theo thời gian cố định như trước.
Hệ thống quản lý giao thông thông minh đang được tích hợp với hệ thống camera an ninh nhằm giám sát đến từng nhóm người hay từng cá nhân để phục vụ công tác bảo vệ an ninh xã hội.
Trong logistics: Logistics là lĩnh vực đặc thù ở nước ta. Vì nhiều nguyên nhân, chi phí logistics ở VN thuộc hàng cao nhất trong khu vực. Vì thế, những nỗ lực cải tiến nhằm làm giảm chi phí logistics đều được chú trọng.
Trong thời đại số, việc ứng dụng công nghệ số vào các dịch vụ logistics mang lại hiệu quả rất tích cực. Ở mức đơn giản, có thể sử dụng trợ lý số trong quản lý kho hàng hóa. Trợ lý số giúp thủ kho tìm vị trí tối ưu để đặt một kiện hàng và tìm kiếm, lấy ra những kiện hàng khi xuất kho. Ở mức cao hơn, sử dụng công nghệ số có thể thiết kế và vận hành một kho thông minh: Hàng được đưa đến cửa kho khi nhập và đưa ra cửa kho khi xuất, việc xếp hàng hóa vào kho và lấy ra như thế nào do hệ thống robot đảm nhiệm. Ở Việt Nam chúng ta có giải pháp công nghệ VN nên chi phí đầu tư rẻ hơn quốc tế nhiều và kết quả thì như nhau.
Trong y tế: Y tế là lĩnh vực được ứng dụng công nghệ số từ rất sớm và đa dạng, từ y tế dự phòng đến y tế điều trị. Tuy nhiên, phần lớn các ứng dụng đó được thực hiện dựa trên các giải pháp công nghệ của nước ngoài.
Nói về giải pháp số hoàn toàn VN có thể đơn cử một trường hợp khá đặc biệt là dự án “Điều trị bệnh mật ngủ và trầm cảm bằng liệu pháp âm thanh dựa trên công nghệ số” của nghệ sỹ đàn viola Nguyệt Thu. Hợp tác với các bác sỹ chuyên khoa điều trị bằng âm thanh, nghệ sỹ Nguyệt Thu sáng tác và biểu diễn những bản nhạc cho viola mang những tần số phù hợp với sóng não của bệnh nhân. Với sự tư vấn của bác sỹ, các bệnh nhân có thể lựa chọn được bản nhạc mang tần số phù hợp với mình. Bằng cách “đóng gói” các bản nhạc bằng công nghệ số và đưa lên Internet, nghệ sỹ quốc tế Nguyệt Thu có thể “điều trị” cho hàng ngàn người trong và ngoài nước với mức phí tượng trưng. Dự án thu hút được sự chú ý của nhiều tổ chức trong nước và quốc tế.
Trong giáo dục: Giáo dục đào tạo, dạy nghề cũng mảnh đất màu mỡ cho công nghệ số. Ngày nay, nhờ công nghệ số, cách thức tổ chức và vận hành hệ thống giáo dục thay đổi hoàn toàn. Các bài giảng của các giảng viên nổi tiếng ở các trường chuyên, các tư liệu học tập phong phú được coi là nguồn tài nguyên cần đuiợc chia sẻ, cần đảm bảo tính công bằng trong giáo dục đối với học sinh ở các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo so với các học sinh ở các thành phố lớn.
Ngày nay, nhờ Internet và công nghệ số, tư liệu giáo dục được phổ cập, việc học tập, nghiên cứu hướng đến cá nhân hóa để những cá nhân xuất sắc có điều kiện vươn lên một cách mạnh mẽ. Nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đang tích cực xây dựng những mô hình giáo dục, đào tạo mới dựa trên công nghệ số nhằm khai thác nguồn tài nguyên chất xám trong toàn xã hội tham gia chương trình chuyển đổi số giáo dục vì những thế hệ tương lai.
Trong phát triển cộng đồng: Có thể nói công nghệ số là phương tiện phát triển cộng đồng nhanh nhất và hiệu quả nhất. Người ta cần chia sẻ thông tin, cần tìm kiếm những điều mới mẻ giúp cải thiện cuộc sống, tăng thêm thu nhập và những niềm vui.
Đối với những người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những thông tin hướng dẫn bà con cách tự cải thiện cuộc sống, cách tham gia các quy trình sản xuất được doanh nghiệp thu mua đầu ra như trồng cây dược liệu, hay các phương pháp đơn giản tạo ra nước sạch, xua đuổi côn trùng, phòng và chữa những loại bệnh phổ biến qua mạng Internet mang lại những tác động tích cực rõ rệt. Đơn cử trường hợp ứng dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) trong quy trình sản xuất đẳng sâm của HTX Thanh Tâm ở huyện Tu Mơ Rông tỉnh Kontum đã giúp nhiều bà con dân tộc ở đây có việc làm ổn định.
Kết luận
Qua những ví dụ thực tế nêu trên, có thể khẳng định rằng, ai cũng có thể chuyển đổi số được, ứng dụng của chuyển đổi số có thể áp dụng cho một hộ kinh tế gia đình (như người bán quà sáng, quán cà phê) đến hợp tác xã, từ một doanh nghiệp nhỏ hay lớn đều có thể chuyển đổi số.
Chuyển đổi số không đòi hỏi chi phí cao (quán như cà phê số, tiệm tạp hóa số) vì chủ cửa hàng hợp tác với nhà cung cấp giải pháp công nghệ theo nguyên tắc ăn chia từ giá trị tạo ra và cũng không đòi hỏi phải nghiên cứu, phân tích, thiết kế, lập trình phức tạp vì chuyển đổi số hướng tới thu thập dữ liệu và có sẵn công cụ xử lý những dữ liệu đó theo khả năng của người điều hành, trước tiên là của người đứng đầu tổ chức hay doanh nghiệp. Chuyển đổi số luôn đi từ thấp lên cao, không có điểm dừng, không thể nói khi nào là xong vì chuyển đối số sẽ kéo dài hàng chục năm, ngày càng sâu sắc và hiệu quả hơn.
Trong quá trình chuyển đổi số, luôn cần đến sự liên kết, hợp tác, không ai có thể tự làm vì không phải ai cũng có thể tự tạo ra bộ công cụ chuyển đổi số cho mình. Hơn thế nữa, thời nay, mọi thứ cần thiết nhưng không phải thế mạnh của mình đều được thuê. Ví dụ hạ tầng đám mây, kênh truyền dẫn, bảo vệ an toàn, sàn giao dịch,… đều được thuê vì những tổ chức chuyên nghiệp thực hiện việc đó tốt hơn nhiều.
Quá trình chuyển đổi số dẫn đến một điều thú vị là mỗi DN chỉ có thể lựa chọn 2 khả năng, hoặc là trở thành hình mẫu tiên phong dẫn dắt một chuỗi liên kết hoặc là trở thành thành phần tham gia chuỗi liên kết đó. Số còn lại sẽ bị đào thải. Vì thế, kết quả chuyển đổi số là sự thanh lọc, chỉ những DN giỏi hay các chuỗi liên kết có sức cạnh tranh cao mới có thể tồn tại và phát triển ổn định. Ở chiều ngược lại, các DN không thực hiện chuyển đổi số hay nằm trong một số lĩnh vực không còn cần thiết nữa hay đã thay đổi hoặc bị thay thế bằng các ngành nghề khác (như trường hợp hãng sản xuất phim ảnh Kodak trong quá khứ). Cũng có nhiều DN mới được thành lập từ nhu cầu phát triển của xã hội. Xu thế chung là giỏi, phù hợp và độc đáo thì dễ tồn tại trong kỷ nguyên số.
Ứng dụng của chuyển đổi số trong thực tiễn