SCM là một thuật ngữ chuyên ngành khá quen thuộc đối với những nhà quản trị doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp muốn hoạt động trơn chu từ khâu sản xuất đến khi hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng thì bắt buộc phải xây dựng hệ thống SCM. Vậy SCM là gì? Tầm quan trọng của SCM với doanh nghiệp như thế nào? Bài viết này sẽ cung cấp những kiến thức về SCM cho doanh nghiệp.
Khái niệm về SCM?
SCM là từ viết tắt của Supply Chain Management (Quản trị chuỗi cung ứng)
Chuỗi cung ứng: là một hệ thống các tổ chức, con người, hoạt động, thông tin và các nguồn lực liên quan tới việc di chuyển sản phẩm hay dịch vụ từ nhà cung cấp hay nhà sản xuất đến người tiêu dùng.
Quản trị chuỗi cung ứng có nghĩa là:
Quản lý chuỗi cung ứng bao gồm tất cả các hoạt động từ lập kế hoạch và quản lý tất cả các hoạt động liên quan tới việc tìm nguồn hàng cung ứng, thu mua, vận chuyển, đầu ra của sản phẩm. Quan trọng hơn, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng mối quan hệ với đối tác trong chuỗi cung ứng, tăng cường sự ràng buộc giữa các bên liên quan bao gồm: nhà cung cấp, các nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba, và khách hàng.
Quản trị chuỗi cung ứng là bao gồm tất cả các hoạt động thông suốt của các bên liên quan, mà người chủ chốt duy trì chuỗi cung ứng là doanh nghiệp.
Tìm kiếm nhà cung ứng=> Vận chuyển=> Sản xuất=> Sản phẩm => Trung gian phân phối => Người tiêu dùng.
Các mô hình dây chuyền cung ứng được sắp xếp từ đơn giản đến phức tạp.
Một công ty sản xuất sẽ nằm trong “mô hình đơn giản”, khi họ chỉ mua nguyên vật liệu từ một nhà cung cấp, sau đó tự làm ra sản phẩm của mình rồi bán hàng trực tiếp cho người sử dụng. Ở đây, bạn chỉ phải xử lý việc mua nguyên vật liệu rồi sản xuất ra sản phẩm bằng một hoạt động và tại một địa điểm duy nhất (single-site).
Trong mô hình phức tạp, doanh nghiệp sẽ mua nguyên vật liệu từ các nhà cung cấp (đây cũng chính là thành phẩm của đơn vị này), từ các nhà phân phối và từ các nhà máy “chị em” (có điểm tương đồng với nhà sản xuất). Ngoài việc tự sản xuất ra sản phẩm, doanh nghiệp còn đón nhận nhiều nguồn cung cấp bổ trợ cho quá trình sản xuất từ các nhà thầu phụ và đối tác sản xuất theo hợp đồng. Trong mô hình phức tạp này, hệ thống SCM phải xử lý việc mua sản phẩm trực tiếp hoặc mua qua trung gian, làm ra sản phẩm và đưa sản phẩm đến các nhà máy “chị em” để tiếp tục sản xuất ra sản phẩm hoàn thiện. Các công ty sản xuất phức tạp sẽ bán và vận chuyển sản phẩm trực tiếp đến khách hàng hoặc thông qua nhiều kênh bán hàng khác, chẳng hạn như các nhà bán lẻ, các nhà phân phối và các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEMs). Hoạt động này bao quát nhiều địa điểm (multiple-site) với sản phẩm, hàng hóa tại các trung tâm phân phối được bổ sung từ các nhà máy sản xuất. Đơn đặt hàng có thể được chuyển từ các địa điểm xác định, đòi hỏi công ty phải có tầm nhìn về danh mục sản phẩm/dịch vụ đang có trong toàn bộ hệ thống phân phối. Các sản phẩm có thể tiếp tục được phân bổ ra thị trường từ địa điểm nhà cung cấp và nhà thầu phụ. Sự phát triển trong hệ thống quản lý dây chuyền cung ứng đã tạo ra các yêu cầu mới cho các quy trình áp dụng SCM. Chẳng hạn, một hệ thống SCM xử lý những sản phẩm được đặt tại các địa điểm của khách hàng và nguyên vật liệu của nhà cung cấp lại nằm tại công ty sản xuất.
Phân biệt giữa SCM và LOGISTIC
Trong thực tế, rất nhiều doanh nghiệp hoặc nhà quản trị nhầm lẫn giữa hai thuật ngữ này. Mọi người đều cho rằng SCM và Logistic có thể thay thế, bổ sung cho nhau. Tuy nhiên thuật ngữ Logistics là 1 phần của Supply Chain Management.
Logistics
- Các hoạt động trong phạm vi của 1 tổ chức nhất định
- Tập trung vào các hoạt động như: Thu mua, phân phối và quản lý hàng tồn kho.
- Bao gồm các hoạt động giúp quản lý dòng chảy của hàng hoá 1 cách hiệu quả.
SCM
- Mạng lưới liên kết giữa các công ty làm việc cùng nhau.
- Bao gồm cả: Marketing, phát triển sản phẩm mới, tài chính và dịch vụ khách hàng.
- Bao hàm tất cả các hoạt động, quy trình Logistics giữa các bộ phận và giữa các công ty với nhau.
Lợi ích của chuỗi cung ứng với doanh nghiệp
Lượng hàng tồn kho giảm
Độ chính xác trong việc dự báo sản xuất tăng
Cải thiện vòng cung ứng đơn hàng
Tăng lợi nhuận sau thuế
Các thành phần cơ bản của SCM
Sản xuất
Khả năng của dây chuyền cung ứng tạo ra và lưu trữ sản phẩm. Phân xưởng, nhà kho là cơ sở vật chất, trang thiết bị chủ yếu của thành phần này. Trong quá trình sản xuất, các nhà quản trị thường phải đối mặt với vấn đề cân bằng giữa khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng và hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp.
Vận chuyển
Đảm nhiệm công việc vận chuyển nguyên vật liệu, cũng như sản phẩm giữa các nơi trong dây chuyền cung ứng. Ở đây, sự cân bằng giữa khả năng đáp ứng nhu cầu và hiệu quả công việc được biểu thị trong việc lựa chọn phương thức vận chuyển. Thông thường có 6 phương thức vận chuyển cơ bản:
- Đường biển: giá thành rẻ, thời gian vận chuyển dài và bị giới hạn về địa điểm giao nhận.
- Đường sắt: giá thành rẻ, thời gian trung bình, bị giới hạn về địa điểm giao nhận.
- Đường bộ: nhanh, thuận tiện.
- Đường hàng không: nhanh, giá thành cao
- Dạng điện tử: giá thành rẻ, nhanh, bị giới hạn về loại hàng hoá vận chuyển (chỉ dành cho dữ liệu, âm thanh, hình ảnh…).
- Đường ống: tương đối hiệu quả nhưng bị giới hạn loại hàng hoá (khi hàng hóa là chất lỏng, chất khí..).
Tồn kho
Tồn kho là việc hàng hoá được sản xuất ra tiêu thụ như thế nào. Chính yếu tố tồn kho sẽ quyết định doanh thu và lợi nhuận của công ty. Nếu tồn kho ít tức là sản phẩm của bạn được sản xuất ra bao nhiêu sẽ tiêu thụ hết bấy nhiêu, từ đó chứng tỏ hiệu quả sản xuất của công ty bạn ở mức cao và lợi nhuận đạt mức tối đa.
Định vị
Bạn tìm kiếm các nguồn nguyên vật liệu sản xuất ở đâu? Nơi nào là địa điểm tiêu thụ tốt nhất? Đây chính là những yếu tố quyết định sự thành công của dây chuyền cung ứng. Định vị tốt sẽ giúp quy trình sản xuất được tiến hành một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Thông tin
Thông tin chính là “nguồn dinh dưỡng” cho hệ thống SCM của bạn. Nếu thông tin chuẩn xác, hệ thống SCM sẽ đem lại những kết quả chuẩn xác. Ngược lại, nếu thông tin không đúng, hệ thống SCM sẽ không thể phát huy tác dụng. Bạn cần khai thác thông tin từ nhiều nguồn khác nhau và cố gắng thu thập nhiều nhất lượng thông tin cần thiết.
Công ty nào cũng luôn tìm mọi cách để tạo một kênh liên lạc thông suốt giữa nhà cung ứng và khách hàng của họ, xoá bỏ những nhân tố cản trở khả năng sinh lời, giảm chi phí, tăng thị phần và giành được đông đảo khách hàng. Vì lý do đó, SCM được xem như một giải pháp tốt để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Với SCM, việc chia sẻ dữ liệu kinh doanh sẽ không bị bó hẹp trong nội bộ doanh nghiệp, mà đã lan truyền đến nhà cung ứng, nhà sản xuất và nhà phân phối. Có thể nói, dây chuyền cung ứng luôn chú trọng tới mọi hoạt động sản xuất của công ty bạn, cả trong hiện tại lẫn tương lai, nhằm cân đối giữa cung và cầu, đồng thời phản hồi lại sự thay đổi trên thị trường. Hãy đưa tất cả các thông tin liên quan tới dây chuyền cung ứng, từ nhà cung cấp tới hệ thống hậu cần nội bộ, đến các kênh phân phối sản phẩm, khách hàng… vào hệ thống ERP, bạn sẽ thấy hoạt động sản xuất của mình trở nên thông suốt và hiệu quả như thế nào.
SCM là gì?